Giải oan cho dâu tây Đà Lạt

Giải oan cho dâu tây Đà Lạt

 

Ông Lại Thế Hưng, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, cho rằng đây là cách lấy lại công bằng cho dâu tây Đà Lạt, loại nông sản từng đứng trước nguy cơ bị xóa sổ bởi nhiễm bệnh thối rễ và mất uy tín do dâu tây Trung Quốc trà trộn ngay chính tại Đà Lạt.

Lấy lại uy tín cho dâu tây Đà Lạt

Đưa ra bảng phân tích mức độ an toàn dâu từ năm 2010 đến nay, ông Lại Thế Hưng khẳng định có đầy đủ bằng chứng cho thấy dâu tây Đà Lạt mất tiếng vì dâu tây Trung Quốc.

Cụ thể,  dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vào thời điểm dâu tây Trung Quốc tràn ngập tại Đà Lạt từ 2012 trở về trước đều cho tỉ lệ từ 8% -12% không an toàn.

Còn hiện nay, khi sản lượng dâu tây Đà Lạt tăng cao và không có dâu Trung Quốc tại Đà Lạt, tỉ lệ này chỉ có 4% – 5,2%. Riêng các mẫu dâu lấy tại các vườn dâu công nghệ cao, kết quả là 100% đạt an toàn.

Bà Lê Thị Thanh Nga, trưởng phòng phân tích Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, cho biết trong quá trình phân tích các đặc điểm nhận dạng dâu tây Đà Lạt và dâu tây Trung Quốc, dư lượng thuốc BVTV cũng được phân tích với hai mẫu dâu tây đặt mua tại khu vực biên giới giáp Trung Quốc.

Kết quả, dâu tây Trung Quốc có 1 mẫu không an toàn, 1 mẫu nằm trong ngưỡng an toàn. Với cách phân tích tương tự thực hiện trên dâu tây Đà Lạt, cả hai mẫu đều không có dấu hiệu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Khi được xem các thông tin hướng dẫn nhận diện dâu tây Trung Quốc và dâu tây Đà Lạt, anh Nguyễn Thanh Trung, chủ vườn dâu sạch Thanh Trung, rất vui vì cuối cùng dâu tây Đà Lạt cũng được “minh oan”, có cơ hội để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng cũng như phục hồi các diện tích dâu tây đã bị phá bỏ trước đó. Cách đây hai năm, cả nhà anh Trung trồng dâu nhưng giờ chỉ mình anh trồng dâu.

“Phần vì cây chết, phần vì dâu Trung Quốc tràn ngập tại Đà Lạt và những vùng trước đó là thị trường của người trồng dâu Đà Lạt nên giá dâu thấp thảm bại, chỉ khoảng 10.000 đồng/kg đến 15.000 đồng/kg, thua lỗ nên cả nhà chuyển qua trồng rau”, anh Trung nói.

Cũng như anh Trung, nhiều nhà vườn tại Đà Lạt cho biết sẽ cho in những thông tin về cách phân biệt dâu Đà Lạt và Trung Quốc do cơ quan chức năng cung cấp và bỏ vào hộp dâu của khách để phổ biến rộng rãi cho người tiêu dùng.

Theo ông Hưng, chi cục sẽ phối hợp với cơ quan chức năng thành phố Đà Lạt để phổ biến cách phân biệt dâu tây đến khách du lịch.

Đến thời của dâu tây công nghệ cao

 

Hình ảnh so sánh giữa dâu tây Đà Lạt và Trung Quốc. Ảnh: Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng.

 

Hình ảnh so sánh giữa dâu tây Đà Lạt và Trung Quốc. Ảnh: Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng.

Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Trúc Bồng Sơn cho biết diện tích dâu tây Đà Lạt hiện vào khoảng  300 hecta, sản lượng 7 tấn/ngày.

Nếu muốn mở rộng diện tích phải đầu tư công nghệ cao, canh tác trong nhà kính, nhà lưới bằng phương pháp thủy canh. Theo ông Sơn, diện tích dâu tây công nghệ cao của Đà Lạt hiện vào khoảng 130 hecta với giá bán từ 200 nghìn đồng/kg đến 400 nghìn đồng/kg, giá gấp 3-7 lần các loại dâu canh tác theo phương pháp truyền thống.

Tuy nhiên, đây không chỉ là câu chuyện của nông nghiệp mà còn là câu chuyện của du lịch, bởi không ít du khách đến Đà Lạt chủ yếu muốn xuống các nông trại trồng dâu tây.

Thực tế, nhiều du khách đã thất vọng khi nhìn thấy dâu tây Đà Lạt mọc lè tè dưới đất như rau muống, quả nằm lăn lóc trên mặt đất.

“Nhắc đến Đà Lạt, du khách nhắc đến dâu tây. Làm dâu công nghệ cao sẽ giải quyết được chuyện nông sản sạch mà còn thêm chỗ tham quan cho du khách”, ông Sơn nói.

Chủ vườn dâu Đa Phú, ông Nguyễn Lâm Thanh – một trong những người đầu tiên trồng dâu tây trên giá thể tại Đà Lạt- cho biết  khi vườn dâu bắt đầu có trái cách nay hai năm, anh mở cửa đón du khách và bán dâu trực tiếp tại vườn.

“Nhiều du khách sau khi tham quan đã giới thiệu thêm khách hàng mới,  đặt hàng nhiều đến mức tôi phải từ chối vì không đủ dâu cung cấp”, ông Phú kể.

Đa số các vườn dâu trồng trên giá thể như vườn dâu Nhật Bản (đường Phù Đổng Thiên Vương) , trang trại Biofresh trồng dâu Mara Des Bois của Pháp… đều đầu tư vào các giống mới nhằm tạo ra những quả dâu gần với hình ảnh dâu tây đẹp được công bố trên các trang mạng, không chỉ làm đẹp mắt du khách mà còn có được loại dâu chất lượng tốt hơn các loại dâu tây bán trên thị trường với giống cũ.

Biểu so sánh dâu Đà Lạt và Trung Quốc

Đặc điểm

Dâu Đà Lạt

Dâu Trung Quốc

Hình dạng trái Quả không đồng đều Độ đồng đều cao
Kích thước trái Quả vừa phải, không quá to Quả to
Độ cứng quả Mềm, không nhẵn mịn Quả có độ cứng, mịn
Màu sắc Đỏ không đồng đều, sậm màu ở thân, phần cuống hơi trắng Màu đỏ sậm rất đẹp mắt
Phần dài quả (phủ cuống) Mỏng ngắn, phủ một phần trên trái dâu, màu xanh nhạt Màu đỏ đậm hơn, không có màu trắng đan xen
Mùi vị Mùi thơm đặc trưng, khi ăn mềm dai, có vị chua thanh Không có mùi thơm, khi ăn có cảm giác bở, không có vị chua thanh

Nguồn: Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng

MAI VINH – PHAN THÀNH